Xem thêm:
Hỗ trợ ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất cao nhất là 10,8 triệu đồng.
Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại dự thảo Quyết định (QĐ) sửa đổi QĐ 35/2009 của TP.HCM về bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) vừa được cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, gửi tờ trình UBND TP xem xét vào tháng 1-2014.
Không đủ điều kiện cũng được thuê, mua nhà TĐC
Tờ trình của dự thảo cho hay lần này QĐ 35 được sửa đổi không chỉ cập nhật, bổ sung những quy định mới mà còn cụ thể hóa nhiều biện pháp hỗ trợ khác trong thẩm quyền quyết định của chủ tịch UBND TP đối với những trường hợp không được bồi thường nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các quy định này sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho những đối tượng trên và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo đề xuất, hộ bị thu hồi toàn bộ nhà, đất không đủ điều kiện TĐC theo quy định, có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở mới theo danh sách được UBND quận, huyện phê duyệt (UBND phường, xã, thị trấn đề xuất) sẽ được xem xét cho mua trả góp trong thời hạn 15 năm hoặc được thuê căn hộ chung cư theo đơn giá TĐC, trên cơ sở khấu hao 30 năm. Đối với người bị thu hồi đất có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi đến nơi ở mới chưa có việc làm ổn định sẽ được chậm trả tiền mua nhà hoặc hoãn trả tiền thuê nhà trong thời hạn không quá năm năm. Hết thời hạn trên, người dân phải thực hiện theo quy định. Nội dung trên được đề nghị bổ sung để giải quyết thực trạng tại một số dự án người bị thu hồi đất không đủ điều kiện trên đề xuất do sử dụng đất lấn chiếm kênh rạch, đất do Nhà nước quản lý sau ngày 1-7-2004 nhưng không có chỗ ở nào khác.
Một góc khu tạm cư chờ tái định cư trong dự án xây dựng khu đô thị mới quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD
Dự thảo cũng đề nghị về chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Theo đó, hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất (kể cả đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư) nếu bị thu hồi 30%-70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng trên tổng diện tích đất nông nghiệp của địa bàn quận, huyện sẽ được hỗ trợ trong sáu tháng (nếu không di chuyển chỗ ở) và 12 tháng (nếu phải di chuyển chỗ ở). Trường hợp di dời đến địa bàn có điều kiện khó khăn được hỗ trợ tối đa 24 tháng. Hỗ trợ ít nhất 12 tháng và cao nhất 36 tháng cho trường hợp bị thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp trên tổng diện tích đất nông nghiệp của địa bàn quận, huyện. Dự thảo đề nghị: “Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu là 300.000 đồng/tháng”. Như vậy, mức cao nhất mà đối tượng này được hưởng là 10,8 triệu đồng.
Việc kê khai, kiểm kê tài sản trong trường hợp đã có thông báo thu hồi đất cũng được dự thảo đề nghị trở thành một quy định bắt buộc. Theo đó, sau khi có thông báo thu hồi đất nếu người bị thu hồi đất không hợp tác, vắng mặt hoặc gây cản trở, cơ quan chức năng được “sử dụng nguồn hồ sơ tài liệu đang quản lý hoặc thu thập được để hoàn tất thủ tục”.
Bồi thường công trình tạm: Vênh với quy định mới
Bên cạnh những điểm mới, dự thảo tờ trình sửa đổi QĐ 35 cũng có một số đề nghị bị vênh so với quy định hiện hành. Cụ thể là điều khoản về hỗ trợ đối với công trình được cấp phép xây dựng tạm. Theo dự thảo, đối tượng này được đề nghị mức hỗ trợ 40%-70% đơn giá xây dựng mới, tùy theo nguồn gốc và pháp lý đất. Tuy nhiên, chỉ hỗ trợ trong trường hợp công trình nằm trong quy hoạch có thời hạn (nên giấy phép xây dựng tạm cấp theo thời hạn này) nhưng chưa hết thời hạn mà Nhà nước thu hồi đất.
Trong khi đó, ngày 28-6-2013, UBND TP đã ban hành QĐ 21 thay thế QĐ 68, trong đó có nội dung về bồi thường công trình tạm. Theo đó, điều khoản này đã thay đổi một cách cơ bản với dự thảo về điều kiện để hỗ trợ bồi thường công trình tạm. Đó là “trong vòng năm năm kể từ ngày công bố công khai quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000, nếu Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không bồi thường vật kiến trúc xây dựng mới trong phạm vi quy hoạch; sau năm năm Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường hỗ trợ theo quy định hiện hành”. Tuy nhiên, QĐ 21 chưa đề cập cụ thể mức bồi thường hỗ trợ ra sao mà chỉ quy định chung là theo quy định hiện hành.
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét