Xem thêm:
Đề xuất bỏ giao dịch bất động sản qua sàn
Dù nhiều dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp (NTNT) tại Hà Nội đã được bàn giao cho khách hàng, nhưng chưa nơi nào có giá chính thức, mới chỉ là tạm tính. Nhiều khách hàng lo lắng về giá trị thật của căn hộ đã mua. Trong khi đó, nhiều NTNT có giá cao hơn cả nhà thương mại.
Nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) chưa có giá bán chính thức. Ảnh: L.H.V
Đắt hơn nhà thương mại vẫn tạm tính
Tính từ thời điểm dự án nhà thu nhập thấp (NTNT) đầu tiên được bàn giao cho khách hàng (năm 2011) tới nay, riêng địa bàn Hà Nội đã có 5 dự án hoàn thành, với hàng ngàn hộ dân tới ở. Ngoài ra, còn hàng chục dự án khác đang triển khai.
Tuy vậy, chưa có dự án nào công bố giá bán chính thức, tất cả mới là tạm tính. Điều này làm những người mua NTNT băn khoăn, lo ngại giá bán đã bị “làm giá” nên doanh nghiệp mất nhiều thời gian để khớp thủ tục.
Thực tế, NTNT đã nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách, thủ tục, tới ưu đãi vốn vay, thuế, như: Miễn tiền sử dụng đất; vay vốn lãi suất thấp hơn thị trường; được thế chấp nhà hình thành trong tương lai để vay vốn; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng…
Tuy vậy, giá của không ít dự án NTNT tại Hà Nội thậm chí còn cao hơn giá nhà thương mại. Như dự án NTNT 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy), SDU-143 Trần Phú (Hà Đông) có giá xấp xỉ 15 triệu đồng/m2, ngang bằng giá các dự án nhà thương mại như CT12 Văn Phú (Hà Đông), chung cư 143 Hạ Đình.
Thậm chí, mức giá trên còn cao hơn giá căn hộ tại dự án Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ… Các dự án NTNT khác như: Kiến Hưng (Hà Đông), Sài Đồng (Long Biên), Đặng Xá (Gia Lâm)… cũng có giá từ 10-13 triệu đồng/m2.
Không chỉ vậy, việc chậm trễ công bố giá chính thức khiến nhiều người thu nhập thấp mua nhà băn khoăn. “Gia đình tôi tới ở đã được 3 năm, gần tới hạn có thể bán (ít nhất 5 năm - PV) vẫn chưa thấy chủ đầu tư thông báo giá chính thức.
Hợp đồng và thanh toán tiền vẫn giá tạm tính, không biết còn tạm tính tới bao giờ”, chị N.T.P. (xin giấu tên), ở NTNT Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) nói.
Anh Nguyễn Văn Sỹ, một khách hàng mua căn hộ dự án NTNT Sài Đồng băn khoăn, chủ đầu tư ký hợp đồng và thu tiền khách hàng theo giá tạm tính, giờ đã tới ở vẫn chưa được biết giá chính thức ra sao. “Không hiểu vì sao chủ đầu tư tính giá chính thức lâu đến thế. Phải chăng họ cần thời gian để hợp thức hóa giá tạm tính của mình”, anh Sỹ băn khoăn.
Có thật chủ đầu tư trả lại tiền?
Trong số các dự án NTNT hiện nay, dự án CT1 Ngô Thì Nhậm được bàn giao đã 3 năm; dự án Kiến Hưng cũng đã được hơn 1 năm, đều do Cty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư. Đây cũng là 2 dự án bàn giao nhà sớm nhất trên cả nước, nhưng tới nay vẫn chưa có giá chính thức.
Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc công ty này thừa nhận, hiện cả 2 dự án trên chưa công bố giá bán chính thức, do chưa quyết toán xong. “Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, sau đấy gửi sở xây dựng và sở tài chính, khi được chấp thuận sẽ thông báo cho khách hàng biết”, ông Đa nói.
Theo ông Đa, nếu giá chính thức thấp hơn giá tạm tính, chủ đầu tư sẽ trả lại tiền cho khách hàng; trường hợp giá cao hơn sẽ tùy tình hình thực tế để thu thêm hoặc tự chịu.
“Chắc giá chính thức sẽ không có thay đổi gì với giá tạm tính”, ông Đa nói. Lý do chậm, theo đại diện Vinaconex Xuân Mai, vì vướng nhiều thủ tục; hồ sơ quyết toán gửi lên sở tài chính lại bị trả về yêu cầu bổ sung.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Cty Viglacera (chủ đầu tư dự án NTNT Đặng Xá và Đại Mỗ) cho biết, hiện đang hoàn thiện thủ tục quyết toán. Dự kiến 3-4 tháng tới sẽ có giá chính thức dự án Đặng Xá gửi Sở Tài chính Hà Nội thẩm định và gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt, sau đó mới công bố. “Vì trình các cấp quản lý nên phải quyết toán cẩn thận, mất nhiều thời gian”, ông Tuấn nói. Theo ông, khả năng giá thay đổi là rất ít.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, các vấn đề liên quan tới giá và thẩm định giá bán NTNT do Sở Tài chính phụ trách. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Xây dựng, quy định là giá chính thức không được cao hơn giá tạm tính.
Bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, tới nay mới chỉ phê duyệt giá tạm tính các dự án NTNT, chưa có dự án nào gửi giá chính thức. “Khi phê duyệt giá tạm tính, chúng tôi đã thông báo rõ: Giá tạm tính là mức giá cao nhất. Nếu sau quyết toán, giá chính thức thấp hơn giá tạm tính chủ đầu tư phải trả lại tiền cho khách hàng; còn nếu cao hơn phải tự chịu”, bà Loan nói. Theo bà Loan, nguyên tắc tính giá NTNT là tính đúng, tính đủ các chi phí, lợi nhuận chủ đầu tư không vượt quá 10%.
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét