Xem thêm:
Gói 30.000 tỷ: Đi chậm, có chắc?
Tập đoàn Thiên Thanh được chọn giữ vị trí trung gian cung ứng vật liệu để giải ngân nguồn tiền của gói 50.000 tỷ đã thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều về ý tưởng này vì lo lắng sẽ xuất hiện “lợi ích nhóm” nếu điều hành và quản lý không tốt.
Sự xuất hiện của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh với vai trò là đơn vị trung gian phân phối vật liệu xây dựng, được xem là biện pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Theo thông tin từ Ngân hàng Xây dựng thì giải pháp này sẽ giúp tái cấu trúc lại thị trường VLXD thông qua việc cung cấp nguồn vốn. Khi tham gia chuỗi này, doanh nghiệp có thể mua được vật liệu với giá thấp hơn thị trường từ 10 - 20%.
Đồng tình với việc thành lập sàn giao dịch VLXD ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng vụ VLXD - Bộ Xây dựng cho rằng: Khi liên kết 4 nhà thì vay vốn sẽ dễ dàng hơn và vốn sẽ đi trực tiếp đến công trình thì dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ (70% giá trị của công trình xây dựng là nằm ở vật liệu xây dựng). Mô hình liên kết 4 nhà sẽ tạo thuận lợi cho mô hình sàn giao dịch VLXD, vì khi doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết 4 nhà, doanh nghiệp sẽ có giá VLXD tốt nhất và đây là xu thế tất yếu.
Như vậy, nếu sàn giao dịch VLXD thành công sẽ tác động đến không chỉ ngành bất động sản mà còn liên quan đến cả thị trường xây dựng. Trong đó rõ nét nhất là thúc đẩy phát triển nhà ở diện tích nhỏ, nhà thương mại diện tích nhỏ giá thấp, tạo mặt bằng giá mới giúp thị trường BĐS ổn định hơn.
Ông Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Khi Việt Nam gia nhập tổ chức TPP và hiệp định ASEAN+6, sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường vật liệu giữa các nước trong khu vực, nếu chúng ta không sớm củng cố khâu phân phối, để tạo ra thanh khoản tốt thì các doanh nghiệp Việt rất dễ bị đánh bại ngay trên sân nhà”.
Thành lập sàn giao dịch VLXD đây không phải là biện pháp mới vì các doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện cách làm này khá tốt. Nhưng làm sao để áp dụng mô hình này vào Việt Nam một cách hiệu quả là điều không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng: Thị trường vật liệu xây dựng rất dễ chuyển thành sàn giao dịch vì chung nhãn mác, quy cách và được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng.
Ngoài những ý kiến tích cực về sàn giao dịch vật liệu xây dựng thì ý tưởng này cũng gặp không ít ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành trả lời trên Seatimes cho rằng: Nếu không có sự giám sát chặt chẽ gói 50.000 tỉ thì sẽ dẫn đến việc độc quyền thi công và độc quyền vật liệu xây dựng. Việc đóng khung một số công ty cung cấp vật liệu xây dựng, một số công ty thi công sẽ làm hạn chế sự lựa chọn của doanh nghiệp thì rất dễ dẫn đến lợi ích nhóm.
Còn Chuyên gia Bùi Kiến Thành nêu ý kiến trên báo Tiền Phong sáng 27/3 băn khoăn: Điểm lạ của gói 50.000 tỷ đồng là vị trí của Công ty Thiên Thanh Group. Khi công ty này khẳng định có nguồn vật liệu giá rẻ hơn các đơn vị khác, nên đứng ra làm cầu nối giữa ngân hàng và chủ đầu tư, đơn vị thi công. Ông Bùi Kiến Thành bày tỏ thắc mắc, “Không rõ Công ty Thiên Thanh là gì lại được giữ vị trí trung gian, được cung ứng vật liệu để giải ngân tiền. Còn những đơn vị cung ứng vật liệu khác sẽ ra sao, chẳng nhẽ họ không được tham gia vào chuỗi cung ứng này? Tự tạo ra một thế độc quyền cho nhà cung ứng vật liệu này (Công ty Thiên Thanh - PV), như vậy là phi thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, hình thành nhóm lợi ích.
Đầu năm 2014, thị trường bất động sản có tín hiệu ấm dần lên với hàng loạt biện pháp kích cầu. Đề xuất thành lập sàn giao dịch vật liệu xây dựng cũng là một trong những giải pháp giúp giải phóng hàng tồn kho vật liệu xây dựng và quan trọng nhất là gầy dựng niềm tin cho thị trường. Tuy nhiên, tính thực tiễn của dự án này cần phải đi vào hoạt động thực tế mới chứng minh được.
Theo Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét